Quan hệ với phương Tây Trịnh_Tráng

Thời bấy giờ, chủ nghĩa tư bản ở phương Tây phát triển, các nhà tư bản đã nghĩ đến việc mở rộng thị trường sang vùng Đông Á và Đông Nam Á. Vào năm 1626, người Bồ Đào Nha mở rộng buôn bán ở Đàng Ngoài, tiếp đó là người Hà Lan. Chúa Trịnh và người Hà Lan có quan hệ tốt đẹp, ban đầu được họ tặng hai khẩu đại bác nên rất tín nhiệm họ. Chúa còn ép vua Lê Thần Tông phải viết thư cho toàn quyền Hà Lan ở Batavia (Indonesia) nhờ giúp đánh chúa Nguyễn. Năm 1637, Trịnh Tráng cho người Hà Lan đến mở cửa hàng ở phố Hiến (gần tỉnh lỵ Hưng Yên), về sau ở đấy có người Nhật Bản, người Trung Hoa, người Xiêm La, người Bồ Đào Nha đến buôn bán làm thành một nơi rất tấp nập. "Thứ nhất Kinh Kỳ, thứ nhì Phố Hiến" là một câu truyền tụng từ thời bấy giờ[7].

Năm 1644, nhân chiến dịch đánh chúa Nguyễn, người Hà Lan cũng đem ba chiến thuyền đóng ở ngoài biển gây thanh thế cho quân Trịnh, nhưng bị Nguyễn Phúc Tần đánh tan.

Bấy giờ tuy các chúa muốn mở rộng buôn bán với phương Tây nhưng lại cấm đạo. Vào năm 1630, Trịnh Tráng trục xuất giáo sĩ Alexandre de Rhodes rồi hạ lệnh cấm đạo năm 1643. Về nội thương, năm 1634, Trịnh Tráng cấm nhà quan trưởng hoặc các công sở không được phép cho người ra chợ uy hiếp lấy không hàng hóa hay đồ vật của khách thương mại. Nếu trái phép, Xá Nhân có quyền xét hỏi, lấy đủ chứng cứ và tang vật rồi đệ hồ sơ lên quan trên chung thẩm. Nếu xét quả thực, can phạm sẽ bị phạt nặng.